Vợ chồng nhường nhịn nhau – Hạnh phúc mới dài lâu

Vợ chồng nhường nhịn nhau - Hạnh phúc mới dài lâu

Trong cuộc sống hôn nhân sẽ không tránh khỏi những lúc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Nhưng chúng ta cũng từng được nghe kể hay tận mắt chứng kiến những cuộc hôn nhân mà hai người đồng hành bên nhau nhiều năm. Chắc hẳn họ đã có một bí quyết đắt giá nào phải không? Thực ra, điều này rất đơn giản và cố gắng là làm được. Đó chính là việc vợ chồng nhường nhịn nhau thì sẽ làm cho cuộc sống hôn nhân tình cảm và bền vững hơn. Đây cũng là bài học rút ra từ câu chuyện của cặp đôi gắn bó với nhau gần 40 năm. Cùng vjmopar.com đón đọc bài viết sau để hiểu và có kinh nghiệm vào hôn nhân gia đình mình bạn nhé.

Câu chuyện hôn nhân của cặp vợ chồng bố mẹ gắn bó gần 40 năm

Bố mẹ tôi sắp kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Bốn mươi năm qua, không ít những trách móc giận hờn, không ít những bất hòa cãi vã, và lần cãi nhau nào bố tôi cũng thua. Bố tôi nói: “Bố không thua thì làm gì có chúng mày”.

Câu trả lời của bố ngắn gọn thôi nhưng hàm chứa bao nhiêu ý nghĩa. Và tôi chợt nhớ đến lời mẹ tôi từng nói “thắng bố mày thì mẹ được cái gì mà cố hơn thua?”.

Bố tôi vốn khó tính và bảo thủ. Cái gì bố thích là cái đó tốt, cái gì bố nói là đúng. Ông khắt khe với vợ con từ lời ăn tiếng nói đến những chuyện nhỏ nhặt. Ngày bố mẹ còn trẻ, tôi vẫn thường chứng kiến bố mẹ có cãi nhau vì bất đồng quan điểm.

Cặp vợ chồng gắn bó gần 40 năm

Bố mẹ cãi nhau, người chịu khổ nhất là mấy chị em tôi. Vì khi bố tức giận mặt bố khó đăm đăm không nói năng gì khiến chúng tôi e dè sợ hãi, còn mẹ sẽ trút thái độ bực bội lên chúng tôi chứ không nhẹ nhàng như ngày thường. Dần dần những cuộc cãi vã ít đi. Nếu có, mẹ sẽ là người dừng lại trước hoặc nhường theo ý bố.

Tôi nói thật, bố tôi khó tính nổi tiếng trong làng. Khó đến độ tôi nghĩ, ngoài mẹ tôi ra chắc không ai chiều nổi bố. Khó tính đến độ tôi nghĩ, nếu sau này tôi gặp phải người chồng khó tính như vậy chắc tôi không thể chịu đựng như mẹ từng chịu đựng bố tôi.

Câu chuyện hôn nhân của cặp vợ chồng người con

Trước đây, có đôi lần tôi trách mẹ. Cho rằng vì mẹ quá nhường bố, quá nhẫn nhịn chịu thua trong mọi tình huống nên mới dung dưỡng tính bảo thủ và cố chấp của bố. Nhưng mẹ tôi nói: “Thật ra thì sau những cuộc tranh cãi, khi đã tĩnh tâm rồi bố vẫn biết là mình không đúng. Thôi thì vợ chồng, quan trọng nhất vẫn là hiểu tính nhau mà sống. Ai thua ai thắng cũng không quan trọng bằng giữ được hòa khí trong nhà”.

Khi tôi lập gia đình, tôi mới hiểu sâu sắc hơn những gì mẹ tôi nói. Đến bát đũa vô tri vô giác còn có khi xô nhau huống gì là hai người sống chung làm sao tránh khỏi những va chạm thường ngày.

Không ít lần vợ chồng tôi bất đồng quan điểm. Những lúc như vậy, có khi tôi sẽ chủ động im lặng, cũng có khi chồng tôi sẽ xin lỗi trước. Dù ai đúng ai sai, chỉ cần tĩnh tâm sẽ nhận ra. Chịu thua trong một cuộc tranh cãi đôi khi không hẳn vì mình sai. Mà là vì mình không muốn mọi mâu thuẫn đi xa hơn, căng thẳng hơn.

Bài học về việc vợ chồng nhường nhịn nhau thì mới bền lâu

Tôi vẫn nhớ hồi lớp 1 từng học qua câu chuyện kể về hai con dê cùng đi qua một chiếc cầu hẹp. Con dê nào cũng muốn sang bên kia trước, không con nào chịu nhường con nào. Cuối cùng cả hai húc nhau và cùng rơi tõm xuống suối.

Một câu chuyện tưởng chỉ dành cho trẻ con nhưng mang lại bài học cho người lớn ở nhiều khía cạnh. Trong đó có cả bài học về ứng xử giữa vợ chồng.

Vợ chồng nhường nhịn nhau thì mới bền lâu

Lâu nay, chúng ta vẫn hay nói với nhau về quyền bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Nhưng tôi vẫn nghĩ trong tình yêu, trong những mối quan hệ thân tình vốn không có sự công bằng.

Thể nào cũng sẽ có người yêu thương nhiều hơn, nhường nhịn nhiều hơn, chịu thua thiệt nhiều hơn. Và họ cam tâm làm điều đó vì họ biết đối phương quan trọng với họ như thế nào. Sự công bằng chỉ có ở những người xa lạ: Anh cho tôi cái này, tôi trả lại anh cái kia, sòng phẳng rõ ràng.

Chung sống với nhau quả thực chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Huống hồ nữa là đàn ông và đàn bà, một người đến từ sao Hỏa, một người đến từ sao Kim, hai thế giới hoàn toàn khác biệt nhau cả về suy nghĩ và cách sống.

Vậy nên, khi thấy một đôi vợ chồng già nào đó cuối đời thủ thỉ bên nhau như bố mẹ tôi, tôi vẫn thường rất cảm động. Có cuộc hôn nhân nào không từng đi qua bão giông thời trẻ để có thể bên nhau lúc tuổi xế chiều.

Chữ “nhịn” rất quan trọng trong hạnh phúc vợ chồng

Vợ chồng hạnh phúc không cần phải giàu sang, cũng chẳng cần phải nhà cao cửa rộng, chỉ cần vợ bớt một lời, chồng nhường một bước là được.

Muốn hạnh phúc, vợ chồng nhường nhịn nhau, hạ thấp cái tôi để chung sống. Vợ chồng nên nhịn khi sống chung với nhau, có vậy mới mong dài lâu và hạnh phúc. Bởi sinh ra không ai hoàn hảo cả, đàn ông cần thời gian để trưởng thành. Đàn bà cũng cần nơi để hoàn thiện bản thân mình.

Hôn nhân là hai con người đầy khuyết điểm tìm thấy nhau rồi nên duyên, vì vậy vợ chồng nhường nhịn nhau mà sống. Ngoài đường hơn thua ai cũng được nhưng về nhà phải tôn trọng nhau. Khi đã bước chân vào hôn nhân thì sự tự tôn, cái tôi cũng nên tạm gác lại để đặt cái chung lên hàng đầu.

Vợ chồng nhường nhịn nhau rất quan trọng

Khi khó khăn, vợ chồng phải đồng lòng cùng nhau vượt qua. Nếu đã gọi nhau hai tiếng vợ chồng thì đừng chuyện gì cũng tị nạnh nhau. Chẳng hạn như việc nuôi con, phụ nữ hay đàn ông gì cũng phải có trách nhiệm. Đừng đổ hết cho vợ, cũng đừng tị nạnh chồng.

Sóng gió lớn đến mấy khi trời quang mây tạnh rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy thôi. Muốn hạnh phúc cần phải dầm mưa, chịu lạnh. Muốn bình yên nắm tay nhau khi về già phải biết chịu đựng những ngày nắng hạn. Vợ chồng cần cùng nhau cố gắng, một sợi dây phải được kéo hai đầu. Người này nhường, người kia nhịn mới mong hạnh phúc.