Đậu phụ và những món ăn bài thuốc bổ dưỡng mà bạn nên biết

Đậu phụ và những món ăn bài thuốc bổ dưỡng mà bạn nên biết

Đậu phụ thường được làm bằng đậu nành (một số được làm bằng đậu đen). Đậu phụ giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu, rẻ tiền, là một loại thực phẩm rất quen thuộc. Đậu phụ chứa nhiều chất đạm, chất béo (không no), cacbonhydrat, photpho, sắt; vitamin B, vitamin E … Theo tài liệu y học cổ truyền Trung Quốc, đậu phụ có tác dụng trung tiện, bổ khí, điều hòa tỳ vị, tiêu tích trệ. đầy hơi, và giảm khí đường ruột. Nếu bạn ăn đậu phụ mỗi ngày, cơ quan tiêu hóa sẽ hoạt động tốt hơn, đào thải kịp thời các chất độc hại trong cơ thể ra ngoài, bảo vệ sức khỏe. Nào cùng với vjmopar.com tìm hiểu thông tin chi tiết các bài thuốc và món ăn bài thuốc qua bài viết này nhé!

Lợi ích tuyệt vời của đậu phụ đối với sức khoẻ

Lợi ích tuyệt vời của đậu phụ đối với sức khoẻ

Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu ăn đủ đậu phụ, bạn có thể nhận được lượng protein, tổng chất béo, carbohydrate và chất xơ thích hợp.

Để có được cùng một lượng chất dinh dưỡng như thịt, bạn phải ăn đậu phụ nhiều gấp đôi so với thịt, nhưng đậu phụ có hàm lượng calo thấp hơn nên sẽ cân bằng.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Đậu phụ có ít cholesterol, ít chất béo trung tính và ít cholesterol “xấu” hơn thịt. Vì vậy, thường xuyên thay thế thịt bằng đậu phụ có thể giúp bạn giảm những chỉ số này! Đây là tin tuyệt vời để ngăn ngừa và chống lại bệnh tim mạch và huyết áp cao, theo Life Hack.

Ngoài ra, đậu phụ không chứa chất béo bão hòa – loại chất béo góp phần gây ra bệnh tim, huyết áp cao và các bệnh khác.

Giảm nguy cơ ung thư dạ dày

Các nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Đông Ngô ở Tô Châu (Trung quốc) đã kết luận rằng ăn đậu phụ và các chế phẩm từ đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Cung cấp canxi cho cơ thể

Đậu phụ là loại thực phẩm chứa nhiều canxi. Một khẩu phần hơn 100 gam đậu phụ chứa lượng canxi tương đương với một ly sữa bò 235 ml. Canxi là chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ đang phát triển và phụ nữ bị loãng xương.

Giảm nguy cơ ung thư vú

Nhiều tài liệu đã ghi nhận rằng đậu phụ chứa isoflavone, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, như giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đáng chú ý nhất là ung thư vú, theo Life Hack.

Thúc đẩy giảm cân

Đậu phụ có thể tạo cảm giác rất no. Đưa đậu phụ vào khẩu phần ăn mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều. Vì đậu phụ chứa ít calo, bạn sẽ tiêu thụ ít calo hơn về tổng thể, từ đó có thể giúp chống lại béo phì.

Một số món ăn bài thuốc có đậu phụ

Canh đậu phụ đầu cá chép

Canh đậu phụ đầu cá chép

Đầu cá chép 1 cái (khoảng 500g), đậu phụ 2 miếng (300g), cà chua 1 quả, lạc 3 thìa canh, hành, muối, bột ngọt. Cá rán vàng, cho 3 bát nước cùng các thứ còn lại nấu chín bằng lửa nhỏ, nêm gia vị. Dùng tốt cho phụ nữ có thai, phù nhẹ ở chân, sau đẻ có nhiều sữa. Đây là món ăn bài thuốc ngon, bổ dưỡng.

Canh đậu phụ nấu dưa cải

Đậu phụ 2 miếng, dưa cải 150g. Dưa cải rửa sạch ngâm nước lạnh vớt ra vắt khô nước cắt nhỏ. Đậu phụ cắt miếng 3 x 1,5 x 1cm, nhúng nước sôi vớt ra để ráo nước. Cho dầu thực vật vào nồi cho sôi, cho hành gừng đảo qua, cho dưa vào xào đều, cho đậu phụ, đổ nước vừa đủ, đun lửa to cho sôi rồi lửa nhỏ cho chín đậu, nêm gia vị. Món canh dưa này nếu có thêm đầu cá càng ngon. Công dụng bổ sung canxi chống loãng xương và sắt chống thiếu máu.

Đậu phụ nấu rau mồng tơi để nhuận tràng, thông tiện, thanh trừ, nhiệt độc trong ruột. Đậu phụ nấu với cải bẹ trắng, cá lóc, thịt lợn giúp thanh trừ nhiệt ở gan và dạ dày. Đậu phụ nấu với cá thu để trừ chứng cốt hỏa, thanh nhiệt độc.

Đậu phụ xào nấm rơm

Đậu phụ 1 miếng, đậu Hà Lan và nấm rơm lượng vừa đủ, một ít nước tương, dầu thực vật, bột năng. Đậu phụ cắt miếng dày 1cm để ráo nước rán vàng. Nấm rơm ngâm mềm, đậu Hà Lan để nguyên hoặc thái lát. Xào nấm rơm xong cho nước, đậu phụ rán, đậu Hà Lan và các thứ gia vị còn lại, nêm bột. Có thể dùng nấm hương thay nấm rơm.

Đậu phụ xào rau chân vịt (cải bó xôi)

Đậu phụ 2 miếng (300g), rau chân vịt 500g, dầu lạc hoặc dầu vừng 40g, gia vị. Đậu phụ rửa sạch, cắt miếng nhỏ rán. Xào qua đậu phụ trước rồi mới cho rau chân vịt (đã thái nhỏ) vào xào cho đến khi rau có màu xanh thẫm thì nêm gia vị đảo đều là được. Rau chân vịt giàu canxi, sắt và vitamin C nên rất có lợi cho chị em mang thai 3 tháng cuối.

Đậu phụ (khô) trộn rau cần

Đậu phụ khô (hoặc rán vàng), giá đậu xanh, rau cần mỗi thứ 150g; dầu vừng 15g, giấm 20g, tỏi giã nhuyễn 5g. Đậu phụ thái sợi, rau cần cắt đoạn ngắn cùng nhúng nước sôi rồi xả nước đun sôi để nguội cùng giá, để ráo nước. Tất cả trộn đều với dầu vừng, dấm, tỏi, gia vị. Món này chữa thiếu máu, suy nhược thần kinh, thiếu canxi, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.

Cháo đậu phụ đường phèn

Đậu phụ khô 2 miếng thái nhỏ, đường phèn 150g, gạo tẻ 100g. Gạo vo sạch, nấu cháo nhừ rồi cho đậu phụ, đường vào nấu chín đậu. Ăn nóng. Tác dụng thanh nhiệt, dưỡng vị, tiêu đàm, chỉ khát. Dùng thích hợp cho phụ nữ mang thai bị ho sốt, ra mồ hôi. Đây là món ăn bài thuốc dễ nấu.

Trà đậu phụ

Đậu phụ tươi 2 miếng, vài cọng hành tươi (hoặc củ hành khô), lá bạc hà tươi non. Đậu phụ rán vàng, cho hành, rau bạc hà với 2 bát nước nấu còn 1 bát. Ăn cái uống nước khi còn nóng. Chữa ho sốt do cảm lạnh (ho ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi), ra được mồ hôi là khỏi. Vào mùa thu đông, thời tiết lạnh khó ra mồ hôi thì thêm vài lát gừng tươi để tán phong giải biểu. Người già yếu, phụ nữ, trẻ em mới bị phát sốt thì hiệu quả càng cao.

Lưu ý: chọn đậu phụ màu hơi vàng (trắng quá là có thể bị bảo quản bằng phoóc-môn), mùi thơm, không chua, sờ rắn, không dính tay, mua loại đang ngâm nước hoặc mới lấy ra khỏi nước. Mua về chưa ăn phải ngâm vào nước một lúc rồi cho vào tủ lạnh. Đậu phụ đã nấu nên ăn hết 1 lần.