Trẻ bị suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể trẻ không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để đảm bảo cho cơ thể phát triển. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở những trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Trẻ suy dinh dưỡng sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Suy dinh dưỡng ở trẻ có thể xuất phát nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, thói quen ăn uống và sinh hoạt. Vậy cha mẹ cần có chế độ dinh dưỡng giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân hiệu quả như thế nào?
Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em
- Do dinh dưỡng: Nuôi trẻ không đúng phương pháp khi mẹ thiếu hoặc mất sữa. Cho trẻ ăn bổ sung không đúng cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân quan trọng nhất hay gặp là do bà mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng hoặc không có thời gian chăm sóc con cái.
- Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…
- Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.
Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2-3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Cho trẻ sử dụng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Trẻ bị suy dinh dưỡng còi xương, nhẹ cân là mối lo hàng đầu của các bậc cha mẹ. Việc tăng cân hiệu quả, an toàn cho trẻ giúp cho bé phát triển cân đối, toàn diện. Muốn vậy, các mẹ cần phải biết áp dụng chế độ dinh dưỡng; sinh hoạt hàng ngày, đúng cách nhất mới đem lại hiệu quả cho trẻ. Dưới đây là một số ý kiến của bác sỹ Hoàng Ngọc Anh, phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh để các mẹ tham khảo. Và có thêm kinh nghiệm nuôi con đúng đắn, hợp lý.
Trẻ trong tình trạng biếng ăn, còi cọc, sút cân sau các đợt ốm,… nên sử dụng các loại thực phẩm sau:
Sữa và sữa chua
Sữa là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng. Trẻ phải được ăn đủ khẩu phần thì mới có thể tăng cân được. Cụ thể, trẻ dưới 6 tháng tuổi: 800 – 900 ml/ngày. Trẻ trên 6 tháng tuổi và đã ăn dặm: 600 ml/ngày.
Sữa chua không chỉ giàu năng lượng mà còn giúp kích thích tiêu hóa ở trẻ; giúp trẻ nhanh có cảm giác đói và ăn ngon miệng hơn.
Dầu Olive
Dầu Olive rất tốt cho tim mạch và có chứa nhiều chất chồng oxy hóa. Loại dầu này rất giàu năng lượng, các mẹ nên cho trẻ ăn dầu olive vào cháo, bột khoảng 2 – 3 bữa/tuần để giúp con tăng cân nhanh.
Thịt, cá
Đây là hai loại thực phẩm giàu năng lượng không thể thiếu trong thực đơn để giúp trẻ tăng cân. Tuy nhiên, các mẹ phải cân đối lượng thịt, cá trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Vì ăn quá nhiều thịt có thể gây hại cho sức khỏe.
Tinh bột
Tinh bột là phần quan trọng trong trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp trẻ tăng cân. Một khẩu phần gạo đã được nấu chín chứa 47g tinh bột sẽ cung cấp 200 calo cho trẻ.
Cho trẻ ăn uống một cách khoa học
- Cho bé ăn dặm đúng tuổi (Từ 6 tháng tuổi).
- Khi bé được 1 tuổi, sữa mẹ không cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé. Vì vậy, bên cạnh việc cho bé bú sữa mẹ phải bổ sung các dinh dưỡng khác theo tiêu chuẩn hợp lý.
- Khi bé ăn dặm, mẹ nên nấu cháo, bột đặc thêm.
- Đa dạng thực phẩm trong bữa ăn của trẻ, chú ý có đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Và lượng thực phẩm cần dùng cho bé / 1 bữa ăn.
- Các món ăn vặt chỉ được ăn sau bữa ăn chính hoặc bữa phụ.
- Tăng bữa ăn hàng ngày, các mẹ cho bé ăn 5 – 6 bữa thay vì chỉ 3 bữa. Cho bé uống thêm sữa trước khi ngủ.
Những việc cha mẹ nên làm để giúp trẻ tăng cân
- Tẩy giun định kỳ: 6 tháng hoặc 12 tháng/lần.
- Tập cho bé ăn đúng giờ, đúng bữa.
- Thường xuyên kiểm tra cân nặng: các mẹ nên ghi chép lại cân nặng hàng tháng của trẻ, từ đó mẹ sẽ biết cách mình áp dụng cho con có hiệu quả không.